Làm sao để chọn được một chiếc giá đỡ màn hình/monitor arm phù hợp nhất với nhu cầu của bạn? Đó là nội dung mà Trên Tay sẽ chia sẻ với bạn ngay bây giờ. Thị trường arm hiện chia thành 3 phân khúc: Dưới 1 triệu, từ 1-3 triệu, và trên 10 triệu. Tại sao lại có sự khác biệt lớn như vậy, bởi vì thực tế hệ cơ khí arm màn hình chỉ có 2 công nghệ chính. Do đó, nếu bạn sở hữu những chiếc arm trong khoảng giá 2-3 triệu là đã thuộc phân khúc cao cấp, các model arm có mức giá đắt hơn một cách lố bịch như arm của Apple chủ yếu đánh vào giá trị thương hiệu.

Để lựa chọn arm màn hình, bạn cần ưu tiên quan tâm tới 4 yếu tố sau:

  • Kích cỡ màn hình phù hợp
  • Trọng lượng tải
  • Công nghệ trợ lực
  • Các yếu tố khác (hỗ trợ chuẩn USB, khả năng giấu dây,...)

1. Kích cỡ màn hình phù hợp

Vì sao Trên Tay lại đưa yếu tố này lên đầu mà không phải cân nặng màn? Đây là điều mà nhiều người mới chơi dễ mắc phải.

Đa số mọi người đều cho rằng màn hình nặng bao nhiêu cân thì mua arm có khả năng nâng từng đó là được. Tuy nhiên, kích cỡ màn quá lớn so với thông số mà NSX đề ra sẽ hạn chế độ linh hoạt của arm khi nâng hạ màn và đặc biệt là khi xoay dọc màn.

Ví dụ: Giá đỡ màn hình Human Motion T6 thích hợp với màn có kích cỡ từ 17 ~ 27". Nếu màn hình bạn đang sở hữu có kích cỡ 32" thì khi xoay dọc màn hình sẽ bị chạm vào mặt bàn do phần tay đòn arm không đủ dài.

Mua arm màn hình một phần vì khả năng xoay ngang dọc linh hoạt, nên anh em nhớ để ý yếu tố này đầu tiên để chọn được arm phù hợp nhé!

Màn hình "quá khổ" so với tay đòn của arm khiến bạn không thể xoay màn.

2. Trọng lượng tải tối thiểu và tối đa

Mỗi loại giá đỡ màn hình đều được NXS đưa ra mức cân nặng tối đa mà arm có thể chịu được. Tuy nhiên, anh em cần lưu ý cả mức cân nặng tối thiểu. Vì sao lại như vậy?

Trên thực tế, có nhiều bạn mua arm màn hình dùng với các cỡ màn quá nhỏ và nhẹ hơn mức khuyến nghị của hãng. Như vậy sẽ khiến trải nghiệm nâng hạ không thực sự mượt.

Trên thị trường, các dòng arm dưới 1 triệu đồng thường ít khi có tính năng chỉnh trợ lực. Do đó người dùng cần lưu ý khi quyết định đầu tư mua arm cho màn quá nhẹ hoặc cân nhắc lựa chọn dòng arm phân khúc cao để có chỉnh trợ lực, giúp cho trải nghiệm nâng hạ được cân bằng và dễ dàng.

Hơn nữa biết đâu bạn sẽ có dự định nâng cấp màn hình trong tương lai, do đó người viết luôn khuyến khích các bạn đầu tư vào một chiếc arm cao cấp hơn. Sản phẩm cơ khí có tuổi thọ rất lâu, nếu bạn đầu tư một lần chi phí cao nhưng dùng được suốt nhiều năm thì vẫn hơn là mỗi lần muốn nâng cấp lại bỏ ra một khoản tiền chênh lệch, mất giá khi đổi chiếc arm cũ phải không?

3. Công nghệ trợ lực

Công nghệ trợ lực mà Trên Tay muốn nhắc tới ở đây chính là lò xo & piston khí nén. Các dòng giá đỡ màn hình trên thị trường hiện nay phần lớn đều lựa chọn một trong hai công nghệ này.

Vậy, lò xo hay piston khí nén thì tốt? Điều đó còn phụ thuộc vào cân nặng màn hình của bạn và phụ thuộc hãng sản xuất linh kiện. Thực tế qua trải nghiệm, chúng tôi đánh giá khá cao công nghệ piston HumanForce 2.0 của Human Motion. Khi lắp với màn hình cong Samsung Odyssey G9 49" có trọng lượng 16kg, đáng ngạc nhiên là T9 vẫn chịu lực, nâng hạ xoay chuyển linh hoạt, không hề bị đổ gục dù màn này vượt size và cả cân nặng mà T9 hỗ trợ (15kg).

Piston khí nén được đánh giá cao về khả năng chịu lực (cả về lực nén lẫn lực kéo) tốt hơn so với lò xo. Tuy nhiên không phải piston nào cũng vậy, chi phí sản xuất ra bộ piston có thể chênh lệch nhau gấp 10 lần tùy vào công nghệ, do đó không phải cứ piston là khỏe và không phải cứ lò xo là yếu.

Tùy vào độ nặng/nhẹ màn hình để lựa chọn công nghệ trợ lực phù hợp nhất.

Điển hình như bộ lò xo nằm trong T7 (hãng còn cố tình để lộ phần lò xo cơ khí dưới tay đòn), thực tế đây là một chiếc lò xo khá lớn và có độ hoàn thiện rất chỉn chu, có thể nâng được màn tới 9kg, rất phù hợp với những màn lớn và cao cấp của Apple, thậm chí những cỡ lớn nhất và nặng như Pro Display XDR.

4. Các yếu tố khác

Ngoài 3 yếu tố trên, anh em cũng nên để ý thêm các tiêu chuẩn đi kèm:

Chuẩn VESA:

Có 02 chuẩn VESA phổ biến hiện nay là 75x75mm và 100x100mm. Màn hình có hỗ trợ VESA giúp bạn có thể lắp đặt trực tiếp với arm mà không cần các phụ kiện chuyển đổi, kit hỗ trợ khác.

Cần lưu ý xem màn hình có hỗ trợ chuẩn VESA 75mm hoặc 100mm hay không.

Hình thức lắp đặt: kẹp cạnh bàn, khoan mặt bàn, khoan tường,...

Lắp đặt kiểu kẹp cạnh bàn đơn giản và tiện dụng nhất.

Thiết kế, màu sắc, khả năng giấu dây

Thiết kế, màu sắc phù hợp với phong cách setup mong muốn cũng là tiêu chí được anh em quan tâm khi lựa chọn arm màn hình. Về khả năng quản lý dây cáp hầu hết arm màn hình hiện nay đều đáp ứng được.

Màu sắc phù hợp với không gian sẽ làm góc setup của bạn đẹp hơn.

Tuy nhiên để giấu dây đẹp, bạn cần chọn các loại arm dùng khay giấu dây. Trong các dòng arm trên thị trường, người viết đánh giá Human Motion T7 có thiết kế thông minh và gọn gàng nhất (không phải đi dây qua tay đòn như các model khác, nhờ đó phần logo được show ra khá đẹp và sang trọng).

Khả năng giấu dây của Human Motion T7 (Đen).

Loại arm: đơn, đôi hay loại gắn sau (thích hợp người cần sử dụng từ 3 màn hình cùng lúc trở lên), v.v...

Human Motion T2-2 Falcon Black: thích hợp khi cần làm việc trên 02 màn hình cùng lúc.

Chuẩn màn hình: Màn hình phẳng, màn hình cong khác nhau về độ vươn, màn hình cong thường sẽ vươn về phía trước nhiều hơn tạo ra lực đòn bẩy lớn hơn vào cổ ngàm VESA. Như đã chia sẻ ở trên, sản phẩm T9 được NSX công bố là hỗ trợ màn cong, do đó phần cổ ngàm VESA của T9 rất chắc chắn và đảm bảo tránh hiện tượng gục màn dù là bất kỳ màn hình cong nào trên thị trường. Nếu dùng màn cong, bạn nên để ý xem review arm đó có hỗ trợ tốt không.

Chuẩn USB: Nếu arm tích hợp cổng USB tốc độ cao, người dùng sẽ dễ dàng cắm USB, ổ cứng, thẻ nhớ,... ngay trên bàn mà không phải cúi xuống gầm bàn tìm vị trí cổng USB trên máy tính. Đặc biệt để đảm bảo truyền dữ liệu nhanh chóng, chuẩn USB 3.0 trở lên là lý tưởng.

Giá đỡ màn hình Human Motion VelasX: tích hợp 02 cổng USB 3.0 tiện lợi.

Hy vọng với những thông tin mà Trên Tay vừa chia sẻ anh em sẽ dễ dàng lựa chọn cho mình một chiếc arm màn hình phù hợp nhất nhé.